Nguyên nhân, có lẽ đó chính là tốc độ phát triển và đầu tư về hạ tầng tại đây. Những năm qua, hạ tầng đô thị TP.HCM đã có những sự thay đổi và bức phá ngoạn mục, trong đó khu vực phía Đông thành phố luôn là tâm điểm trong việc phát triển hạ tầng và thu hút vốn đầu tư.
Theo thống kê giai đoạn 2012-2020, khu Đông có 11 dự án hạ tầng lớn nhỏ, tổng ngân sách lên đến gần 250.000 tỷ đồng, chiếm 70% nguồn vốn đầu tư, làm cho diện mạo hạ tầng trong khu vực, đặc biệt là Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức thay đổi đáng kể, góp phần thúc đẩy sự phát triển không chỉ trong khu vực mà cho cả thành phố nói chung. Cụ thể, những công trình như: đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ, hầm Thủ Thiêm, cầu vượt Cát Lái, đặc biệt với vai trò cửa ngỏ, Xa lộ Hà Nội có lộ giới từ 60 đến 153m, không chỉ là trục kết nối chính mà còn là tuyến giao thông huyết mạch, góp phần quan trọng trong việc duy trì nhịp sống năng động và sự tăng trưởng không ngừng của thành phố.
Nổi bật nhất thời gian qua là tuyến Metro số 01 Bến Thành Suối Tiên với tổng chiều dài 19,7 km từ Bến Thành quận 1 đến quận 9, với 14 nhà ga. Đây là tuyến metro đầu tiên được xây dựng trong 6 tuyến metro tại TP. HCM, và cũng là tuyến metro đầu tiên của Việt Nam với tổng mức đầu tư lên đến 2,07 tỉ USD. Sau khi khởi công vào 2012, hiện tại, tuyến metro Bến Thành Suối Tiên đã dần thành hình với khoảng 80% hạng mục đã được hoàn thành, dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2020. Ngoài ra, vào tháng 12 vừa qua, đường song hành cánh phải Xa lộ Hà Nội với hai chiều lưu thông cũng đã chính thức được thông xe, giúp việc kết nối và di chuyển của cư dân trong khu vực được thuận tiện và dễ dàng hơn, đồng thời, các tuyến giao thông mới như đại lộ Võ Chí Công, đường vành đai 3… góp phần quan trọng trong việc gia tăng sự kết nối trong khu vực
Một phần khu vực Quận 9 và Thủ Đức
Không chỉ dừng lại ở việc thu hút vốn đầu tư và phát triển hạ tầng, khu Đông còn nổi bật với các cụm công trình, kinh tế, dịch vụ, giáo dục trọng điểm đã và đang được hình thành như làng Đại học Quốc gia TP.HCM, Bến Xe Miền Đông mới, khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc 466ha, cùng Khu Công Nghệ Cao quy mô lên đến 913 ha trong thời qua đã thu hút hơn 15.000 chuyên gia và công nhân kỹ thuật cao với sự đầu tư các công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia như SamSung, Intel, FPT, đại học Fullbright… và vào tháng 8/2016, dự án Saigon Silicon City Center cũng được khởi công xây dựng, đây là dự án nằm trong tổng thể quy hoạch Saigon Silicon diện tích 52ha có tổng vốn đầu tư tương đương 1,5 tỉ USD
Diện mạo hạ tầng khu Đông đổi thay mạnh mẽ và ngày càng mang dáng dấp của những thành phố lớn trên thế giới
Với quỹ đất phong phú cùng sự phát triển đồng bộ về hạ tầng và kinh tế, khu Đông hội đủ các yếu tố thuận lợi, thúc đẩy sự hình thành những khu dân cư, những đô thị mới cao cấp và chuẩn mực như khu đô thị Thảo Điền, An Phú An Khánh, City Horse… Và đặc biệt nổi bật nhất là khu đô thị Thủ Thiêm thuộc Quận 2 với tổng diện tích 657 ha, được quy hoạch là một trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của TP.HCM, với chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế, là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí.
Những thay đổi tích cực qua từng ngày của hạ tầng cơ sở, đô thị và khu dân cư cùng sự phát triển kinh tế khu vực mạnh mẽ trong thời gian qua, Khu Đông thành phố với hạt nhân là Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức, không chỉ được xem là nơi đất lành chim đậu, mà đây còn là nơi chứa đựng những tiềm năng, triển vọng và cơ hội to lớn trong cả tương lai xa và tương lai gần. Do đó, không lạ khi nói khu Đông của TP.HCM chính là mỏ vàng cho những nhà đầu tư mà còn cho sự phát triển của thành phố nói chung.
-Ari Trần-