Kể từ 2007, thị trường bất động sản vài năm trở lại đây mới chứng kiến sự sôi động và cả những ồn ào do thu hút nhiều đối tượng và nguồn lực xã hội, theo số liệu thống kê gần nhất, gần 7.000 doanh nghiệp mới thành lập tại TP.HCM là… bất động sản cũng đủ thấy sức hấp dẫn là như thế nào, cả những khóa dạy làm giàu từ bất động sản cũng được dịp “nở hoa”
Trong tất cả những đối tượng tham gia thị trường bất động sản, có thể nói, nhóm dịch vụ môi giới gồm cả cá nhân và tổ chức, là đông nhất, một phần do không tốn nhiều thời gian, thủ tục, nguồn vốn, yêu cầu… nhiều như những nhóm khác. Tất nhiên, trước sức hấp dẫn của thị trường, mọi người hay truyền tai nhau về những thành công, về sự giàu có, về những danh vọng khi được trở thành ông chủ… nhưng có mấy ai thấy được, đằng sau những hào quang mà sàn diễn thị trường mang lại, cũng có những cuộc chiến và những cơn sóng ngầm khi bước chân vào nghề môi giới mà ai cũng sẽ phải đối mặt.
- BỊ CƯỚP KHÁCH
Trong thời buổi mà “nhà nhà làm nhà đất, người người làm nhà đất” thì hiển nhiên, sự cạnh tranh đầu tiên đó là về khách hàng. Ngoài những người làm nghề bất động sản nghiêm túc, cũng có những thành phần chỉ chuyên đi “ăn bẩn” bằng cách cướp khách và công lao của người khác bằng nhiều cách, nổi bật là việc “cắt máu” để lôi kéo khách (cái này thường giữa các cá nhân), tiếp theo là ưu đãi, chiết khấu, lấy thông tin khách rồi khai thác lại (Cái này thường giữa các doanh nghiệp), còn “hot” nhất hiện nay là việc “cướp trên dàn mướp” bằng cách theo dõi quảng cáo của người khác rồi nhảy vào mạo danh để tiếp cận khách hàng.
Còn về phần khách hàng, họ cũng liên hệ với nhiều người, nhiều công ty do đó họ cũng chẳng quan tâm là mua của ai mà chỉ quan tâm ai cho họ quyền lợi cao nhất. Chính vì vậy đôi khi, cuộc chiến do chính những người trong cuộc tạo ra.
- CHIẾM DỤNG, GIAM TIỀN HOA HỒNG
Không dám nói là “xù” nhưng thật ra tình trạng chiếm dụng, giam tiền khá phổ biến và là nỗi đau lớn nhất của những người làm nghề môi giới bất động sản ở thời điểm hiện tại. Ai cũng nghĩ nghề môi giới thì có tốn gì đâu ngoài “vốn tự có” và nói họ là “tay không bắt giặt”, nhưng hiện tượng đó chỉ có ở những kẻ cơ hội, còn những người làm nghề chân chính thì đầu tư khá nhiều vào chi phí cho các hoạt động như khai thác, chăm sóc khách hàng, trang thiết bị, công cụ bán hàng… còn ở quy mô công ty thì phải tốn tiền hoạt động hàng tháng, nào là lương nhân viên, hoa hồng, mặt bằng, thuế, phí, tiền ký quỹ… mà cái nào cũng là tiền tươi thóc thật. Do đó, chỉ cần chủ đầu tư trả tiền chậm 1 tháng hay trả “nhỏ giọt” thì cũng đủ làm cho các công ty môi giới “thở oxy”, có khi “chết lâm sàng” nữa chứ chẳng chơi
Mà khổ nỗi, các công ty môi giới cứ nghĩ mình tài giỏi, cứ nhào đầu vào rồi tự cạnh tranh bằng cách hạ phí, cam kết đủ thứ… mà đâu biết chính họ đang bị những một số chủ đầu tư làm ăn không đàng hoàng lợi dụng, để rồi khách hàng khổ, nhân viên khổ và chính họ cũng khổ. Mà thôi, có chơi có chịu, chỉ buồn là thị trường bị loạn lạc và người làm chân chính bị đánh đồng với những kẻ đổ đốn mà thôi
- PHÁ BỎ CAM KẾT
Lẽ tất nhiên, khi mọi thứ đang tốt và tăng “nóng” thì mấy ai có đủ kiên nhẫn và lòng tự trọng để giữ đúng cam kết, bởi mọi thứ đều là tiền cả, thử nghĩ một miếng đất bán cho bạn 1 tỷ, bạn đặt cọc 50 triệu, sau đó lên 1,2 tỷ thì họ có chịu tiếp tục bán cho bạn với giá cũ không? Ngược lại ở chiều người mua cũng vậy, nếu giá giảm còn 800 triệu, liệu bạn có đủ can đảm để tiếp tục mua?
Đó chỉ là ví dụ ở hàng đơn vị, còn nếu là hàng chục tỷ thì đúng là cũng phải suy nghĩ. Cho nên, thì trường càng loạn, càng “nóng”, quyền lợi càng nhiều thì niềm tin càng ít đi và việc phá bỏ cam kết cũng diễn ra phổ biến. Dẫu không phải ai cũng như vậy, nhưng cẩn trọng vẫn hơn
- BIẾN ĐỘNG NHÂN SỰ
Thêm một điều nan giải đối với các công ty môi giới bất động sản đó là việc biến động nhân sự. Dẫu các ngành khác cũng có, nhưng tỷ lệ biến động trong các ngành dịch vụ cao hơn do hiệu quả gắn với yếu tố con người. Rất dễ gặp tình trạng nhân viên sau khi được đào tạo, phát triển sau vài tháng thì “tung bay” đến những chân trời mới với nhiều lý do hoặc ra làm riêng. Mặc khác, cũng có nhiều công ty chỉ tuyển nhân viên theo kiểu “vắt chanh, bỏ vỏ” cho nhân viên tự bơi, không được thì nghỉ, đồng thời trả lương rất thấp hoặc chậm trả hoa hồng… tất cả như cái vòng lẫn quẩn…
Lẽ tất nhiên, có vay có trả, những thành phần cơ hội cũng sẽ không tồn tại được lâu và cũng sẽ bị đào thải theo quy luật. Tóm lại đã làm nghề thì cũng nên xem đó là nghiệp, dù ở vị trí gì cũng nên đặt chữ “tâm” làm nền tảng, nhưng cũng cần “dũng” để chiến đấu và “trí” để gạn đục khơi trong và nhìn thấy được hết các mặt của vấn đề, để có thể sống được với nghề và mang lại những giá trị tốt nhất cho chính bản thân, gia đình và xã hội
-Trần Minh Quang-
Trần Minh Quang, Ari Trần, chuyên gia bất động sản Trần Minh Quang, giảng viên bất động sản Trần Minh Quang, trần minh quang và nghề môi giới
Quang viết hay quá.